Lượng tiền mặt của FLC giảm hơn 1.082 tỷ trong nửa đầu năm dù đã vay thêm ngân hàng hơn 1.500 tỷ đồng. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do tập đoàn đẩy mạnh đầu tư tài sản dài hạn và góp vốn vào FLC Holding. Muôn vàn kiểu lãi của doanh nghiệp ‘họ FLC’: Có lãi nhờ cho vay nợ, thanh lý khoản đầu tư, giảm chi phí quản lý
Lượng tiền mặt giảm mạnh dù vay thêm hơn 1.500 tỷ
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II, lượng tiền mặt của FLC trong 6 tháng đầu năm đã giảm hơn 1.082 tỷ (tương đương giảm 89%) xuống còn 132 tỷ đồng và chỉ chiếm 0,4% tổng tài sản tập đoàn. Trong đó, tiền gửi ngân hàng giảm từ gần 492 tỷ xuống gần 50 tỷ đồng; tương đương tiền giảm từ 718 tỷ xuống gần 72 tỷ đồng.
Nhìn vào báo cáo lưu chuyển tiền tệ, lượng tiền mặt của FLC giảm mạnh bắt nguồn từ dòng tiền hoạt động đầu tư bị âm 2.132 tỷ, chủ yếu do chi hơn 1.605 tỷ để mua sắm, xây dựng tài sản cố định, các tài sản dài hạn khác và chi gần 572 tỷ để góp vốn vào đơn vị khác.
Cụ thể, số liệu từ bảng cân đối cho thấy nguyên giá của các tài sản nhà cửa và vật kiến trúc tăng 714 tỷ đồng trong nửa đầu năm, còn các loại tài sản khác giảm nhẹ hoặc không thay đổi. Chi phí xây dựng dở dang tăng thêm 850 tỷ do FLC đã bơm thêm hàng trăm tỷ cho các dự án Hạ Long, Khu nghỉ dưỡng Quảng Bình, Dự án Bình Định – gia đoạn 2,…
Về dòng tiền gần 572 tỷ chảy ra do hoạt động góp vốn trong nửa đầu năm, nguyên nhân chính là do FLC đã góp gần 568 tỷ đồng để sở hữu 9,84% vốn CTCP Quản lý vốn và tài sản FLC Holding.
Cùng với 2.132 tỷ chảy ra do hoạt động đầu tư, dòng tiền của FLC cũng không được hỗ trợ bởi hoạt động kinh doanh cốt lõi khi lưu chuyển tiền thuần của mảng này âm tới 441 tỷ dù ghi nhận lãi trước thuế hơn 97 tỷ đồng.
Lượng tiền mặt của FLC có thể đã giảm mạnh hơn nếu không được hỗ trợ bởi 1.491 tỷ đồng từ hoạt hoạt động tài chính. Trong đó, dòng tiền thuần chảy về từ hoạt động đi vay là hơn 1.500 tỷ đồng.
Hai quý đầu năm, lượng nợ vay ngân hàng và các tổ chức tài chính của toàn tập đoàn FLC ghi nhận giảm 677 tỷ đồng, chủ yếu do không còn hợp nhất với Bamboo Airways. Nếu loại trừ ảnh hưởng của hãng hàng không này, lượng nợ vay của FLC đã tăng thêm hơn 1.500 tỷ. Trong đó, riêng công ty mẹ FLC vay thêm hơn 900 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân làm dòng tiền từ hoạt động tài chính chảy vào FLC lên tới 1.491 tỷ đồng dù lượng nợ vay trên sổ sách giảm so với đầu năm.
Như đã nói ở trên, FLC đã bơm gần 568 tỷ cho FLC Holding trong nửa đầu năm dưới dạng đầu tư liên doanh liên kết. Đây là lần đầu tiên FLC ghi nhận khoản góp vốn vào công ty này nhưng mối quan hệ giữa hai bên đã tồn tại từ trước đó khá lâu.
CTCP Quản lý vốn và tài sản FLC Holding có trụ sở đặt tại tòa nhà FLC LandMark Tower, đường Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội tiền thân là CTCP Đầu tư thương mại Tre Việt, được thành lập ngày 15/10/2019 với vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng.
Ngành nghề đăng ký hoạt động chính của CTCP Đầu tư thương mại Tre Việt là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Sau 15 tháng thành lập, ngày 22/1/2021, CTCP Đầu tư thương mại Tre Việt đổi tên thành CTCP Quản lý vốn và tài sản FLC Holding, đồng thời tăng vốn điều lên lên gấp 120 lần, từ 100 tỷ đồng lên 12.000 tỷ đồng. Chỉ 5 ngày sau đó, tức ngày 27/1, FLC Holding tiếp tục tăng vốn lên 15.300 tỷ đồng.
Với vốn điều lệ 15.300 tỷ đồng như hiện nay, FLC Holding là một trong những doanh nghiệp vốn khủng nhất trong hệ sinh thái FLC, nhiều hơn vốn của Tập đoàn FLC (hiện nay là 7.100 tỷ), FLC Faros (5.676 tỷ), FLCHomes (4.160 tỷ), … chỉ đứng sau con số 16.000 tỷ của Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).
Ngoài FLC, CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS) cũng góp 750 tỷ đồng vào doanh nghiệp có vốn 15.300 tỷ này.
Ban đầu, Tổng Giám đốc FLC Holding là ông Lê Văn Sắc, sinh năm 1949, đã từng là thành viên Ban Kiểm soát Tập đoàn FLC. Đến ngày 1/2, công ty bổ nhiệm bà Đặng Thị Lưu Vân làm Tổng Giám đốc thay cho ông Lê Văn Sắc.
Bà Vân sinh năm 1971, tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh – Trường United Business Institutes và có 20 năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Năm 2019, bà Vân làm Trưởng ban Tài chính của FLC sau đó được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC từ cuối tháng 7/2020 đến nay.
Trước khi đến với FLC và FLC Holding, bà Vân từng làm Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tập đoàn Sunshine, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Hội sở của Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Giám đốc phía Bắc của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Giám đốc nghiệp vụ của Mizuho Corporate Bank.
FLC có lãi nhờ thanh lý các khoản đầu tư
Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần hợp nhất của FLC đạt 3.748 tỷ đồng, thấp hơn 40% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu của FLC sụt giảm mạnh do tập đoàn không còn hợp nhất kết quả của hãng hàng không Bamboo Airways vào báo cáo tài chính. Tại thời điểm 30/6, FLC chỉ còn sở hữu 25,9% cổ phần Bamboo Airways và không còn là công ty mẹ của hãng bay này.
Ảnh minh họa. (Nguồn: CafeBiz)
Cùng với doanh thu, giá vốn của FLC cũng giảm mạnh do không còn hợp nhất với Bamboo Airways. Nhờ đó, FLC vẫn ghi nhận lãi gộp 58,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gộp gần 2.250 tỷ đồng.
Mặc dù hoạt động kinh doanh cốt lõi có lãi nhưng khoản lợi nhuận gộp nói trên chỉ tương đương khoảng 1/10 tổng các khoản chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp lên tới gần 580 tỷ đồng trong kỳ.
FLC thoát lỗ nhờ khoản thu hơn 599 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, tăng 32% so với với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của FLC sau nửa đầu năm đạt hơn 65 tỷ đồng, cải thiện rõ rệt so với khoản lỗ ròng 2.970 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Báo cáo tài chính cho thấy doanh thu tài chính của FLC chủ yếu đến từ việc thanh lý các khoản đầu tư với khoản tiền thu về lên tới hơn 410 tỷ đồng.
Năm 2020, FLC đặt kế hoạch doanh thu hơn 15.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 880 tỷ đồng. Như vậy, tập đoàn này mới đạt 25% chỉ tiêu doanh thu và 7% chỉ tiêu lợi nhuận sau 2 quý đầu tiên.
Đến ngày 30/6, tổng tài sản của FLC hơn 32.000 tỷ đồng, giảm hơn 15%. Trong đó, lượng tiền mặt của tập đoàn là hơn 132 tỷ đồng, giảm hơn 1.082 tỷ so với cuối năm 2020 (tương đương giảm 89%) và chỉ chiếm 0,4% tổng tài sản.
Trong kỳ, khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết tăng lên hơn 4.300 tỷ đồng, gấp 5,6 lần đầu năm do chuyển Bamboo Airways từ công ty con thành công ty liên kết. Tại thời điểm cuối quý II, FLC đang góp hơn 4.100 tỷ đồng (tương đương sở hữu 25.88%) vào Bamboo Airways, tăng 15% so với đầu năm.
Trong ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4/2021, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch FLC cho biết dù FLC đã không còn là công ty mẹ của Bamboo Airways nhưng cá nhân ông và FLC vẫn đang sở hữu trên 80% cổ phần hãng hàng không này.
Cuối tháng 6, FLC nắm giữ gần 265 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh, gấp 70 lần so với đầu năm. Trong đó, phần lớn là cổ phiếu HAI của Công ty Cổ phần Nông dược H.A.I. Tuy nhiên, tập đoàn phải trích lập dự phòng tới 160 tỷ đồng cho khoản đầu tư trên.
6 tháng đầu năm, nợ phải trả của FLC giảm gần 2.200 tỷ xuống còn 22.218 tỷ đồng, chiếm 69% tổng nguồn vốn của tập đoàn. Trong đó, vay nợ ngắn hạn của tập đoàn FLC vào cuối tháng 6 giảm hơn một nửa so với đầu năm, về còn gần 2.100 tỷ đồng. Trong khi đó, vay nợ dài hạn tăng 71% lên gần 3.750 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu giảm hơn 3.600 tỷ, xuống 9.814 tỷ đồng do không còn hợp nhất với Bamboo Airways.
FLC Faros có lợi nhuận nhờ lãi cho vay
Lũy kế 6 tháng, doanh thu của FLC Faros (Mã: ROS)đạt 1.028 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Cũng với các biện pháp tăng nguồn thu từ hoạt động tài chính, giảm các chi phí lãi vay, quản lý doanh nghiệp, FLC Faros có lãi sau thuế 33 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 lỗ 150 tỷ đồng.
Được biết, trong nửa đầu năm, lãi tiền cho vay của FLC Faros đạt gần 49 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ và động lực chính làm tăng doanh thu tài chính của công ty.
Năm 2020, FLC Faros đặt mục tiêu doanh thu 2.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 46 tỷ đồng. Như vậy, dù mới chỉ thực hiện được 35% chỉ tiêu doanh thu, FLC Faros đã hoàn thành tới 72% kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 6 tháng.
Được biết, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch Thường trực của Tập đoàn FLC hiện là Chủ tịch FLC Faros.
Lợi nhuận FLC Stone tăng 14%
Trong nửa đầu năm, FLC Stone (Mã: AMD) ghi nhận doanh thu thuần 787 tỷ và lợi nhuận sau thuế 6,7 tỷ; tăng trưởng lần lượt 31% và 14%. Riêng quý II, lợi nhuận FLC Stone 4,8 tỷ, gấp đôi cùng kỳ.
Trong công văn giải trình, FLC Stone cho biết doanh thu quý II tăng là do công ty đã đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng, còn lợi nhuận trong quý tăng là nhờ ghi nhận doanh thu tài chính từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2020, FLC Stone đặt mục tiêu tổng doanh thu 2021 là 1.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 30 tỷ đồng (tăng tương ứng khoảng 34% và 9% so với thực hiện 2020). Như vậy, FLC Stone đã thực hiện được hơn một nửa kế hoạch doanh thu nhưng chỉ đạt 22% kế hoạch lợi nhuận.
GAB lãi chưa đầy 1 tỷ đồng
Nửa đầu năm, doanh thuần GAB (Mã: GAB) đạt 172 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế của công ty tăng hơn 70% nhưng chỉ đạt chưa đầy 1 tỷ đồng.
Riêng quý II, GAB báo lãi ròng hơn 611 triệu đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Theo giải trình của GAB, doanh thu quý 2 chủ yếu tăng từ doanh thu bán hàng nông sản. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tác động tiêu cực đến nền kinh tế chung cùng với giá cả thị trường của vật tư và các chi phí đầu vào tăng cao nên GAB đẩy mạnh triển khai kinh doanh các mặt hàng nông sản để tăng doanh thu và lợi nhuận.
Như vậy, so với kế hoạch, GAB đã thực hiện được 45% chỉ tiêu doanh thu và 15% chỉ tiêu lợi nhuận 2021.
Tập đoàn FLC từng là cổ đông sáng lập góp 80% vốn điều lệ của FLC GAB nhưng nay đã thoái hết vốn. Thay vào đó, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC đang là cổ đông lớn nhất sở hữu 51,1% vốn điều lệ của FLC GAB, tương đương 7,05 triệu cổ phiếu.
Nông dược HAI lãi gấp 3,5 lần cùng kỳ nhờ kiếm soát chi phí
Nông dược HAI (Mã: HAI) thông báo doanh thu nửa đầu năm nay giảm 9% do “dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trong quý II đã làm đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, nhiều hợp đồng, đơn hàng phải tạm dừng giao hàng”. Tuy nhiên do kiểm soát được chi phí nên lợi nhuận sau thuế vẫn đạt 6,1 tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần cùng kỳ năm ngoái.
Bà Bùi Hải Huyền, Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC đồng thời là Thành viên HĐQT của Nông dược HAI.
Lợi nhuận Chứng khoán BOS tăng 4,4 lần do cắt giảm chi phí quản lý
Chứng khoán BOS, tiền thân là Chứng khoán Artex (Mã: ART) ghi nhận lãi quý II giảm tới 60% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận 6 tháng vẫn tăng tới 341%, đạt hơn 1,9 tỷ đồng. Kết quả trên chủ yếu do công ty đã cắt giảm 40% chi phí quản lý, từ 10,4 tỷ xuống 6,3 tỷ đồng.
Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC kiêm Chủ tịch FLC Faros hiện là Chủ tịch của Chứng khoán BOS.
Căn hộ Moonlight Centre Point của Tập Đoàn Hưng Thịnh là khu phức hợp nhà ở thấp tầng và căn hộ chung cư với tổng 4 block, cao 24 tầng, hơn 1.200 căn hộ đầy đủ các loại diện tích từ 50-83m2, từ 1-3 phòng ngủ, dự án có đầy đủ các loại hình với nhiều tiện ích như: căn hộ, nhà ở thấp tầng, shophouse, nhà trẻ, hồ bơi, đường dạo, sân chơi trẻ em, sân thể thao, vườn BBQ,… Dự án Moonlight Centre Point Bình Tân nằm số 09 Tên Lửa, phường Bình Trị Đông, Quận Bình Tân, Tp. Hồ Chí Minh