Vì sao Dragon Capital nắm tiền mặt lên mức đỉnh ngay trước cú sụp của chứng khoán Việt Nam?

Thị trường chứng khoán Việt Nam (16/07) tiếp tục có một phiên hồi phục đi kèm với thanh khoản rất thấp.Thanh khoản thị trường tiếp tục sụt giảm và VN-Index vẫn chưa thể qua khỏi mốc 1.300 điểm phiên cuối tuần.Trong tuần đầu tháng 7, quỹ ngoại quy mô tỷ USD của Dragon Capital đã đưa số tiền mặt nắm giữ lên mức cao kỷ lục. Riêng trong tuần thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu lao dốc (1 – 8/7), quỹ VEIL đã bán ròng gần 100 triệu USD. 

Thị trường chứng khoán đi lên trong nghi ngờ

Chỉ số VN-Index ghi nhận một phiên hồi phục mạnh nhờ sự dẫn dắt của lực cầu bắt đáy ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm ngân hàng. Thanh khoản phiên 15.7 không thay đổi quá nhiều so với phiên giao dịch liền trước, ghi nhận gần 14.000 tỉ đồng giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE.

VN-Index áp sát mốc 1.300 điểm phiên cuối tuần

Kết phiên 16/7, VN-Index tăng 5,39 điểm (+0,42%) lên 1.299,31 điểm, HNX-Index tăng 0,48% lên 307,76 điểm, UPCoM-Index tăng 0,41% lên 85,33 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với phiên trước, tổng giá trị giao dịch đạt 18.800 tỷ đồng.

Sau khi đánh mất mốc 1.300 điểm vào phiên giao dịch 12.7 với cú “knock out” hơn 50,8 điểm, hiện tại chỉ số VN-Index đang được giao dịch quanh vùng giá 1.299 điểm, tương đương mức giảm hơn 7% kể từ vùng đỉnh 1.400 điểm.

  • Nhóm VN30 có 19 mã tăng, 10 mã giảm và 1 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, các mã tăng mạnh nhất phải kể đến là MSN, VIC, PDR… Chiều ngược lại, SSI, VHM, STB, VRE là những mã giảm sâu nhất trong rổ.
  • Nhóm bất động sản khu công nghiệp bất ngờ nổi sóng khi nhiều mã bứt phá mạnh như GVR, LHG, SIP, KBC. Đáng chú ý, cổ phiếu SZC tăng trần lên 36.750 đồng/cp sau thông tin Sonadezi Châu Đức lãi 6 tháng vượt 7% kế hoạch năm.
  • Nhóm ngân hàng bất ngờ giao dịch khá tiêu cực trong phiên chiều và tác động tiêu cực đến thị trường. Trong khi đó, đà tăng của cổ phiếu bất động sản, dịch vụ tài chính, hóa chất và sản xuất thực phẩm ủng hộ cho sắc xanh của chỉ số. Khối ngoại mua ròng gần 70 tỷ đồng trên HoSE trong đó tập trung mua NVL, VIC, CTG,…

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá chỉ số VN-Index vẫn đang duy trì đà tăng khá tốt sau nhiều lần kiểm tra thành công vùng hỗ trợ 1.270 điểm. Dưới góc nhìn kỹ thuật, một số chỉ báo động lượng đã chững lại đà giảm khi tiệm cận vùng quá bán có thể kích hoạt nhịp hồi phục trong một vài phiên tới.

VCBS cho rằng, nhà đầu tư có thể bắt đầu giải ngân vào nhóm cổ phiếu dẫn dắt thu hút được dòng tiền trong giai đoạn này cho chiến lược “lướt sóng” ngắn hạn, trong đó đáng chú ý là các cổ phiếu thuộc ngành ngân hàng, chứng khoán và bất động sản.

Trên góc nhìn sóng elliott, Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho biết hiệ tại VN-Index tiếp tục nằm trong sóng điều chỉnh a sau khi đánh mất đường hỗ trợ MA20 ngày vào phiên 6.7 với target theo lý thuyết là quanh ngưỡng 1.210 điểm. Theo đó, SHS cho rằng thị trường có thể sẽ điều chỉnh lại trong phiên 16.7 nếu như lực cầu mua lên tiếp tục suy yếu. Dự báo, trong phiên giao dịch cuối tuần 16.7, thị trường có thể sẽ tiếp tục biến động giằng co và rung lắc với biên độ trong khoảng 1.260-1.300 điểm.

Nhà đầu tư đã tham gia bắt đáy một phần nhỏ tỉ trọng quanh ngưỡng tâm lý 1.300 điểm trong phiên 12.7 nên tiếp tục theo dõi thị trường và có thể gia tăng tỉ trọng nếu VN-Index có nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng hỗ trợ 1.260 điểm.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng thị trường đã có một số dấu hiệu tích cực về kỹ thuật sau phiên phục hồi 15.7, biên độ dao động nhỏ và trong xu hướng giảm cùng với thanh khoản thấp cho thấy áp lực từ phía cung đang giảm dù phiên 15.7 lượng hàng kỷ lục về tài khoản.

Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang được hỗ trợ bởi MA100 trong 4 phiên vừa qua, trong kịch bản tích cực nếu chỉ số này có thể đóng cửa phiên 16.7 trên ngưỡng 1.300 điểm thì khả năng đáy ngắn hạn sẽ được xác nhận, nhịp hồi có thể đưa thị trường retest ngưỡng MA50. Do vậy, nhà đầu tư có thể giải ngân từng phần với ngưỡng hỗ trợ MA100 và kháng cự MA50 (quanh mốc 1.270 điểm và 1.330 điểm).

Xả gần 100 triệu USD, quỹ ngoại VEIL của Dragon Capital đưa tiền mặt lên mức kỷ lục

Báo cáo công bố mới đây cho thấy quỹ quy mô tỷ USD do Dragon Capital quản lý đã đưa tỷ trọng tiền mặt về mức đỉnh trong một vài năm trở lại đây. Tại ngày 8/7, tỷ trọng tiền mặt của quỹ Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) bất ngờ tăng lên 5,51%.

Theo dõi kể từ đầu năm 2020, tỷ trọng tiền mặt tại ngày 8/7 của quỹ VEIL chỉ thấp hơn thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu đợt hồi phục vào tháng 5/2020.

Xét về quy mô, với tỷ trọng 5,51% của danh mục giá trị gần 2,52 tỷ USD, lượng tiền mặt nắm giữ của quỹ VEIL vào khoảng 138,6 triệu USD. Đây là số tiền cao nhất của quỹ tỷ USD này trong nhiều năm gần đây.

Ngày 14/5/2020, tỷ trọng của quỹ lên mức đỉnh 6,38%, nhưng với quy mô danh mục thời điểm đó chỉ khoảng 1,25 tỷ USD. Do vậy, lượng tiền mặt của của quỹ là 79,8 triệu USD, thấp hơn đáng kể so với thời điểm hiện tại.

Đáng nói, động thái đưa tỷ trọng tiền mặt về mức đỉnh của quỹ VEIL diễn ra tại thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu đảo chiều giảm sâu sau giai đoạn tăng nóng. VN-Index có nhịp rơi hàng trăm điểm kể từ mốc đỉnh 1.422,89 điểm ngày 2/7 xuống mốc thấp nhất 1.264,68 điểm ngày 14/7, tương ứng mức giảm 158,21 điểm.

Trong tuần quỹ VEIL bán ròng, VN-Index dao động trong vùng 1.417,08 điểm – 1.374,68 điểm. Cú lao dốc bất ngờ lần này, chỉ số thị trường từng có thời điểm giảm hơn 70 điểm phiên 12/7 khi hàng loạt bluechip giảm sàn.

Theo tìm hiểu, việc đưa tiền mặt lên mức đỉnh nhiều năm của quỹ VEIL một phần liên quan đến việc thực hiện quyền mua trong đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu của Tập đoàn Gelex (Mã: GEX). Ngày 5/7 là hạn cuối nộp tiền mua cổ phần phát hành của Gelex.

Tuy vậy, kịch bản nếu thực hiện quyền mua 5 – 6 triệu (tương mức mức nắm giữ 8 – 10 triệu cp) cổ phiếu GEX (phát hành hành 12.000 đồng/cp) của quỹ VEIL, giá trị bán ròng tuần (1 – 8/7) thấp hơn đáng kể số tiền phải nộp.

Vì sao Dragon Capital đưa tiền mặt lên mức đỉnh ngay trước cú sụp của chứng khoán Việt Nam? - Ảnh 2.

Top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất của quỹ VEIL tại ngày 8/7

Dragon Capital quan ngại về bức tranh vĩ mô khi làn sóng COVID-19 thứ 4 bùng nổ

Một khả năng khác liên quan đến quyết định bán ròng là quan ngại trước làn sóng COVID-19 thứ 4 đang bùng phát mạnh tại Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh phía nam. Trong báo cáo vừa được phát hành mới đây, chuyên gia của Dragon Capital tỏ ra rất thận trọng.

“Do mức độ phức tạp của chủng virus Delta, chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 từ 6% về 5% để phản ánh các rủi ro hiện có”, báo cáo nêu.

Tuy nhiên, Chính phủ không thay đổi kế hoạch đã đưa ra mà thay vào đó đặt ra hai kịch bản tăng trưởng 6% và 6,5%. Đồng thời, Thủ tướng đã thông qua gói hỗ trợ tài chính trị giá 26.000 tỷ đồng và đang chuẩn bị thông qua chương trình miễn giảm thuế trị giá gần 115.000 tỷ đồng.

Với gần 10% dư địa về tài khóa so với mức trần nợ công 65%, Dragon Captail kỳ vọng các gói hỗ trợ kinh tế tiếp theo sẽ sớm được công bố và Chính phủ sẽ nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công (tập trung vào các dự án phát triển hạ tầng) trong nửa cuối năm nay.

Vì sao Dragon Capital đưa tiền mặt lên mức đỉnh ngay trước cú sụp của chứng khoán Việt Nam? - Ảnh 3.

Dragon Capital hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam từ 6% xuống còn 5%. Nguồn: Dragon Capital.

‘Thị trường có thể sẽ cần thời gian để tích lũy’

Về diễn biến thị trường chứng khoán, đầu tháng 7, VN-Index tiếp tục tăng và chạm mức kỷ lục 1.421 điểm và thanh khoản đạt gần 35.000 tỷ đồng khi hệ thống HOSE được nâng cấp.

Song, khi thông tin về giãn cách xã hội tại TP HCM được đưa ra, nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn về rủi ro dịch bệnh kéo dài sẽ tác động thế nào đến tăng trưởng và định giá.

Trong giai đoạn trước đó, thị trường vẫn được dẫn dắt bởi lớp nhà đầu tư mới. Số tài khoản nhà đầu tư cá nhân mở mới trong tháng 6 tiếp tục tăng 23% so với tháng trước, đạt mức kỷ lục hơn 140.000. Trong khi vốn vay ký quỹ vẫn ở mức cao kỷ lục và các công ty chứng khoán tiếp tục phát hành tăng vốn, tiền mới nộp vào tài khoản bắt đầu có dấu hiệu giảm.

Về sức khỏe doanh nghiệp, Dragon Captial cho rằng lợi nhuận của các công ty niêm yết bị ảnh hưởng tiêu cực của làn sóng COVID-19 lần thứ 4 kéo dài lên nền kinh tế và doanh nghiệp. Nếu mức tăng trưởng cả năm chỉ đạt 35%, PE 2021 sẽ đạt 14,1 lần khi VN-Index ở mức 1.350 điểm.

“Đây vẫn là mức hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực, tuy rằng không hẳn là mức thấp so với trung bình các năm trước của Việt Nam. Do đó, thị trường có thể sẽ cần thời gian để tích lũy.

Nếu thị trường thế giới tiếp tục tăng và không có yếu tố tiêu cực xảy ra, chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong năm 2022 nhờ các yếu tố cơ bản phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch”, chuyên gia của Dragon Capital nêu quan điểm.

Astral City Bình Dương

Astral City Bình Dương của chủ đầu tư Phát Đạt là tổ hợp dự án căn hộ chung cư kết hợp chuỗi tiện ích thương mại độc đáo tọa lạc ngay mặt tiền Quốc lộ 13, Thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương đang thu hút thị trường cuối năm. Dự án được xây dựng trên khu đất vàng rộng 3,73 ha bao gồm 8 block cao 40 tầng nổi và 3 tầng hầm. Chung cư Astral City Thuận An cung ứng ra thị trường khoảng 4966 căn hộ loại 1 – 2 – 3 PN, diện tích trung bình từ 45 – 90 m2.